Giá cước tàu dầu vẫn neo ở mức cao

8 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) thông báo đạt doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Tổng doanh thu của công ty trong 8 tháng đạt 5.998 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 899 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, PV Trans cho biết đã nâng tổng số lượng tàu sở hữu và khai thác tăng lên 49 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,3 triệu DWT, đa dạng chủng loại từ tàu chở dầu thô, tàu chở dầu/hóa chất, tàu chở LPG, tàu chở hàng rời đến tàu chứa dầu FSO.

Giá cước tàu dầu hiện vẫn neo cao mang tới nhiều cơ hội cho thị trường vận tải tàu dầu. Thông tin với Báo Giao thông, một doanh nghiệp vận tải biển cho biết mức giá cước và thuê định hạn của tàu dầu hiện nay đã giảm so với thời kỳ cao điểm, nhưng cơ bản vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19.

“Giá thuê định hạn tàu dầu hiện khoảng 20.000 USD/ngày, tùy từng loại tàu và tùy từng hợp đồng. Nguồn thu từ tàu dầu có thể bù đắp cho tàu container đang có cước sụt giảm mạnh”, doanh nghiệp cho hay.

Dữ liệu từ công ty môi giới tàu biển Alibra Shipping Limited, giá thuê tàu dầu định hạn cho tàu loại Handy (trọng tải khoảng 10.000-30.000 tấn) trong thời hạn 1 năm khoảng 25.000 USD/ngày và 20.000 USD/ngày với hợp đồng 2 năm.

Với tàu dầu loại lớn Aframax (khoảng hơn 115.000 DWT), mức giá cước thuê định hạn trong 1 năm khoảng 36.500 USD/ngày và 35.000 USD/ngày với các hợp đồng 2 năm.

Đặc biệt, với các tàu dầu siêu lớn VLCC ( tàu chuyên chở dầu thô siêu trọng từ 150.000 đến 320.000 DWT) có giá thuê đắt đỏ nhất, khoảng 42.500 USD/ngày cho hợp đồng 1 năm và 41.500 USD/ngày cho hợp đồng 2 năm.

Đối với giá cước vận chuyển, ước tính giá giao ngay của tàu VLCC (với các tàu được trang bị máy lọc khí) khoảng 30.000 USD trên tuyến Vịnh Ba Tư – Bắc Á, giảm so với hơn 35.000 USD so với thời điểm cách đây 2 tháng.

Tranh thủ cơ hội tái cơ cấu đội tàu

Thị trường tàu dầu neo cao, một số doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã tranh thủ tái cơ cấu, phát triển đội tàu.

Trong đó, Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) vừa đầu tư thêm tàu Pacific Era đóng tại Hàn Quốc. Tàu có trọng tải 50.057 DWT với chiều dài 183,09m, chiều rộng 32,20m, mớn nước 19,13m.

Pacific Era là loại tàu dầu hóa chất cỡ lớn (MR), doanh nghiệp đã quyết định khai thác tại thị trường quốc tế.

Theo đại diện PVTrans Pacific, thời gian tới, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư thêm nhiều tàu mới trong giai đoạn 2023-2025 tùy theo tình hình thị trường. Các tàu mới được đầu tư thuộc các dòng tàu lớn MR, Aframax, VLGC, VLCC.

Ngoài thị trường tàu dầu, thị trường tàu khí hóa lỏng cũng đang “được mùa” khi giá cước vận chuyển giữ ở mức cao vì căng thẳng địa chính trị. Theo Hellenics Shipping, giá LNG trung bình giao tháng 11 tới Đông Bắc Á ước tính tăng 7,4%, lên 14,5 USD/mmBtu.

Ngoài ra, giá vận chuyển LPG cũng đang đạt mức cao, đặc biệt trong bối cảnh tuyến tàu đi qua kênh đào Panama đang gặp khó khiến tuyến đường vận chuyển phải thay đổi.

Trong bối cảnh ấy, theo thông tin từ PVTrans, doanh nghiệp này đã bổ sung vào đội tàu với hai chiếc tàu chở khí hóa lỏng, gồm một tàu chở khí hóa lỏng loại VLGC Global Liberty có sức chở 84.597m3, được đóng tại Hàn Quốc, là loại tàu chở khí hóa lỏng lạnh lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, còn có một tàu chở khí hóa lỏng (LPG Coaster) đóng mới Morning Kate sức chở 5.150m3, được đóng tại Nhật Bản. Tàu được PVTrans thuê theo hình thức thuê tàu trần từ chủ tàu Nhật Bản theo hợp đồng thuê 10 năm và được bàn giao cho Công ty CP Vận tải biển Nhật Việt (NVTrans), đơn vị thành viên của PVTrans, thuê lại và trực tiếp quản lý vận hành khai thác.

02253273868
icons8-exercise-96 challenges-icon