Năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ 6-8% dựa trên nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 có thể khiến mọi con số dự báo thay đổi, vì vậy sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng trong việc phát triển thị trường là rất quan trọng.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường. Vì vậy, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, chương trình tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 mặc dù thấp hơn so với tăng trưởng của năm 2021 nhưng vẫn sẽ đạt 4,9%; trong khi theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022sẽ đạt 4,3%.
Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu nói chung và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng. Mặc dù vậy, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và hậu quả của dịch bệnh gây ra.
Vì vậy, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin bổ sung và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tiếp tục tạo ra nhiều thay đổi trong chiến lược tái cấu trúc các ngành và doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra những cảnh báo về rủi ro, thách thức cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2022: xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Giá cả hàng hóa thế giới vẫn còn biến động khó lường, logistics vẫn tiếp tục khó khăn.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp về thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, năm 2021 lần đầu tiên Tập đoàn có lợi nhuận hợp nhất trên 1.000 tỷ đồng, là kết quả rất tốt trong bối cảnh đầy khó khăn bởi COVID-19. “Song, bước sang năm 2022, với các diễn biến hiện nay của dịch bệnh, chúng ta vẫn phải tiếp cận 2022 là năm có cả cơ hội phục hồi nhưng đi kèm với thách thức lớn, nhiều bất ngờ”, ông Trường nói.
Cùng với đó là các vấn đề của thị trường tài chính thế giới, nhất là nguy cơ lạm phát. Các rủi ro tiềm ẩn có thể tác động rất nhanh, rất mạnh vào sức cầu tiêu dùng của các thị trường chính của ngành dệt may.
Theo Chủ tịch Vinatex, lúc này tốc độ gia nhập thị trường là vũ khí tối thượng của cạnh tranh. Cơ hội có nhưng sẽ có rất nhiều người cùng tham gia, chỉ có người nhanh nhất mới có thể thu được kết quả tốt nhất.
Nâng cao hiệu quả xuất khẩu
Với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định năm 2022 còn khó khăn hơn 2021. Đây là năm đầu tiên ngành nông nghiệp thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050. Chiến lược hướng tới ngành nông nghiệp sinh thái, bền vững và chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tức là cần mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tạo ra đa giá trị trong ngành hàng nông sản.
Để thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng nhờ tận dụng các FTA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang dự thảo đề án, theo hướng chuẩn hóa vùng nghiên liệu theo kỹ thuật từng thị trường; lập các liên minh doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics và các địa phương có vùng nguyên liệu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: “Chúng ta đừng vội mừng khi vài chuyến hàng, vài sản phẩm tới thị trường châu Âu được truyền thông rộng rãi. Theo cơ quan ngoại giao tại nước ngoài, những chuyến hàng này vẫn là mang tính chất tự phát, chủ yếu nằm ở gian hàng người gốc Á, chứ chưa được chuẩn hóa, chưa vào hệ thống phân phối lớn nước ngoài. Các doanh nghiệp đối tác, đại sứ ở châu Âu nói rằng, cần chuyên nghiệp hóa, có đề án hẳn hoi từ xúc tiến thị trường, văn hóa thị trường, bởi thị trường 27 nước châu Âu không có sự đồng nhất về văn hóa tiêu dùng…”.
Vì vậy, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cần xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước; tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hóa sản phẩm và xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương, cùng các bộ ngành đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành đại phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.