Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện đang phải chịu hơn 10 loại phí đối với một container hàng hoá như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng,…
Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 14/12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Tung cho hay, khó khăn lớn nhất các DN logistics đang gặp phải đó là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục. Cùng với đó là sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới.
Vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch như 5K hay thực hiện “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, DN xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng…
“Tầm này năm ngoái, giá cước container sang bờ đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500 – 4.000 USD/container. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn cung đường ấy, giá cước đã lên tới 15.000, thậm chí 18.000 USD/container. Không chỉ vậy, giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đó, có đến 80% hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển. Điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty” – ông Lê Quang Trung nói.
Còn theo Tổng giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt, nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất của các công ty may, trong đó có May 10 đang phải nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc. Năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động nên công ty không có nguyên liệu để sản xuất.
Sang đến năm 2021, thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại thì lại không có container để các nhà cung cấp xuất khẩu nguyên phụ liệu, khi có container thì không có tàu, khi có tàu thì phải mất nhiều thời gian mới nhận được hàng. Không chỉ đầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, mà sau khi sản xuất ra, việc xuất khẩu giao hàng cho đối tác cũng bị chậm tiến độ từ sáu tuần đến một tháng, gây ra thiệt hại nặng nề.
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số DN vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ số DN lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số DN cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các DN trong ngành vẫn còn hạn chế.
Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 DN vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số DN tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số DN giải thể của cả nước.
Tuy nhiên, các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. Chưa kể, DN dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.

02253273868
icons8-exercise-96 challenges-icon