Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng. Tỉnh còn nằm trong khu hợp tác ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế’, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, với hệ thống hạ tầng giao thông, như cảng biển, đường cao tốc, sân bay cùng nhiều cửa khẩu, lối mở, đã tạo cho Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển dịch vụ logistics.
Những năm qua, bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước “vốn mồi” về đầu tư hạ tầng giao thông kỹ thuật, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển. Bước đầu đã hình thành nên các cảng: Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Bến cảng cao cấp Ao Tiên, Cảng Vạn Ninh. Ngoài ra, nhiều cảng biển khác đã được quy hoạch, đang từng bước thu hút đầu tư và triển khai thực hiện, như: Cảng Con Ong – Hòn Nét (TP Cẩm Phả), cảng hàng lỏng Yên Hưng (KKT ven biển Quảng Yên), Nhà máy điện khí LNG tại TP Cẩm Phả có hợp phần cảng biển.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 đại lý tàu biển và 10 doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ vận tải, lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển tại các cảng biển. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Quảng Ninh tăng trưởng bình quân 16%/năm. Năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi ở các cảng, bến doanh thu đạt trên 37.500 tỷ đồng, có những đóng góp tích cực cho nguồn thu NSNN và giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cơ cấu hạ tầng cảng biển ở Quảng Ninh còn bất hợp lý, hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít. Chính vì vậy, cảng biển của Quảng Ninh chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại. Đơn cử, như cảng Cái Lân, hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là mặt hàng thức ăn gia súc, ngoài ra có thêm mặt hàng dầu thực vật, sắt vụn, soda, dăm gỗ, viên nén gỗ, vôi bịch, quặng, các mặt hàng khác khối lượng rất nhỏ không đáng kể.
Trước mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN… theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tại Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh, nhiều đại biểu cho rằng, Quảng Ninh cần rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu, các bến phao neo đậu tại khu vực Con Ong – Hòn Nét; hệ thống lại các bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển. Tỉnh cần lên kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng; tập trung phát triển khu hậu cần đủ lớn tại các cảng biển với hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, luân kho, lưu chuyển.
Được biết, trong thời gian tới đây, trên cơ sở Nghị quyết 163/NQ-CP (ngày 16-12-2022) của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào KCN, KKT, tạo ra nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh; xây dựng những giải pháp nhằm kích cầu hàng hóa, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển, nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng hiện hữu. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án bến cảng tổng hợp, trong đó, có bến cảng Vạn Ninh, cảng Con Ong – Hòn Nét; phát triển các dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp; xây dựng các trung tâm logistics, thúc đẩy thu hút dịch vụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh qua cảng.