Công ty con của Aeon Mall có kế hoạch xây dựng một trung tâm logistics rộng khoảng 30.000 m2 tại một đặc khu kinh tế gần cảng phía Nam Sihanoukville.
Nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon sẽ cung cấp dịch vụ logistics quốc tế tại Campuchia trong bối cảnh công ty này tìm kiếm động lực tăng trưởng mới do hoạt động thương mại và giao dịch điện tử xuyên biên giới đang gia tăng ở khu vực Đông Nam Á.
Công ty con của Aeon Mall có kế hoạch xây dựng một trung tâm logistics rộng khoảng 30.000 m2 tại một đặc khu kinh tế gần cảng phía Nam Sihanoukville.
Aeon đặt mục tiêu đưa trung tâm này đi vào hoạt động kinh doanh vào năm tài chính 2023, cung cấp dịch vụ lưu trữ hàng nhập khẩu, thông quan và hỗ trợ bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới.
Campuchia, một thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) – khối thương mại lớn nhất thế giới, có kế hoạch phát triển một phần trung tâm này thành một cảng thương mại tự do, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Trung tâm này sẽ có kho ngoại quan đầu tiên tại Campuchia, cho phép các nhà nhập khẩu lưu trữ các sản phẩm từ nước ngoài mà không phải trả thuế trước khi làm thủ tục hải quan.
Các công ty có thể để số lượng lớn hàng hóa ở đó trong một khoảng thời gian nhất định, lấy dần hàng hóa khi cần thiết và trả một khoản thuế bất kỳ được áp dụng tại thời điểm đó.
Nhu cầu về các trung tâm logistics này đang tăng lên trên toàn thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và quản lý chi phí.
Aeon Mall, hiện đang điều hành hai trung tâm mua sắm ở Campuchia, có nguồn khách hàng đang thuê cửa hàng tại trung tâm mua sắm của mình. Những khách hàng này có thể sử dụng kho ngoại quan để lưu trữ hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và các nước khác.
Bên cạnh đó, Aeon cũng sẽ tiếp thị dịch vụ của mình cho các nhà bán lẻ địa phương và các công ty thương mại điện tử, cùng với các nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản muốn bán hàng ở Campuchia, và dự đoán các nhà sản xuất thiết bị và ô tô cũng có thể sẽ lưu trữ phụ tùng tại cơ sở này.
Kinh doanh ở nước ngoài là trọng tâm chiến lược tăng trưởng của Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản tính theo doanh số. Kế hoạch trung hạn đến năm 2025 của Aeon là đạt mục tiêu lợi nhuận hoạt động trên 100 tỷ yen (860 triệu USD) ở khu vực châu Á, không tính Nhật Bản, nhiều hơn gấp đôi so với năm tài chính 2019.
Ngoài kế hoạch bổ sung các trung tâm mua sắm ở Đông Nam Á, Aeon đang gấp rút đa dạng hóa hoạt động tại đây, nhắm đến các lĩnh vực bao gồm siêu thị và tài chính tiêu dùng.
Liên doanh logistics quốc tế là một phần trong kế hoạch của Aeon nhằm tạo ra các nguồn lợi nhuận mới. Aeon kỳ vọng sẽ tạo ra lợi nhuận ổn định từ hoạt động kinh doanh này sau khi tích lũy thêm bí quyết và xây dựng cơ sở khách hàng.
Nhập khẩu của Campuchia đã tăng lên 19,13 tỷ USD trong năm 2020, so với mức 6,79 tỷ USD trong năm 2010. Ngay khi RCEP có hiệu lực, từ ngày 1/1/2022, con số này sẽ tăng trưởng hơn nữa.
Thị trường thương mại điện tử quốc tế của khu vực này cũng sẵn sàng mở rộng. Sea, công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á và Alibaba Group Holdings đang coi Campuchia là mục tiêu trọng tâm của trong những năm gần đây. Nhiều công ty lớn của Nhật Bản cũng đang cung cấp dịch vụ tại Campuchia.
Sau khi thành lập trung tâm logistics quốc tế tại Campuchia, Aeon Mall dự định sẽ mở rộng sang các nước khác như Indonesia và Malaysia.