Năm 2021 là một năm phát triển đáng nhớ của ngành Logistics tại Việt Nam. Tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhìn chung, Việt Nam ta đã gặt hái được rất nhiều thành công trong lĩnh vực Logistics. Cùng Pacific Logistics Group điểm danh những sự kiện Logistics Việt Nam nổi bật trong năm 2021 vừa qua nhé!
1. Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 221/QĐ-TTg
Sau 4 năm thực hiện, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 ban hành tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021.
2. Logistics nội địa đứt gãy do tác động của dịch Covid-19
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra đứt gãy chuỗi logistics ở một số tỉnh thành đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam Bộ.
3. Vận tải biển tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch Covid-19
Mặc dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020.
4. Việt Nam lọt Top 10 thị trường Logistics toàn cầu
Năm 2021 là một năm đáng nhớ của ngành Logistics Việt Nam. Nước ta đã xuất sắc lọt Top 10 thị trường Logistics toàn cầu, với tổng điểm là 5.67/10, tăng 3 bậc trong BXH.
Nước ta đang ngày một cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng, chi phí vận hành thấp và những khoản miễn thuế doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trong thời gian gần đây, khi hội nhập quốc tế tại Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng. Nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao theo sự phát triển hạ tầng trong nước.
Trong năm 2020, tổng giá trị xuất nhập khẩu là 543.9 tỷ USD, tăng đến 5.1% so với cùng kỳ.
5. Bùng nổ Logistics thương mại điện tử trong đại dịch
Theo khảo sát, Logistics thương mại điện tử trong năm 2021 đã tăng trưởng trung bình 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch bệnh đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xu hướng mua hàng qua mạng tăng mạnh, kéo theo đó là hoạt động logistics phục vụ thương mại điện tử.
6. Chính thức mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ (2 chuyến/tuần)
Ông Charles Ranado, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thay mặt nhà chức trách Mỹ trao chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ cho Vietnam Airlines.
Trước đó, vào ngày 4-11-2021, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. FAA là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay Mỹ.
Dự kiến thời gian bay từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29-11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh vào sáng 01-12. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
7. Cảng nước dâu Gemalink vinh dự đạt giải thưởng dự án tốt nhất toàn cầu
Ngày 27/09/2021, tạp chí Engineering News Record (ENR) đã công bố danh sách Giải thưởng Dự án Tốt nhất Toàn cầu (Global Best Projects Awards) năm 2021. Trong đó, Cảng nước sâu Gemalink là dự án cảng biển duy nhất đại diện cho Việt Nam và là một trong hai dự án của thế giới được vinh danh trong hạng mục Công trình hàng hải dân dụng.
Với việc đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của cuộc thi, vượt qua rất nhiều các công trình quy mô, tầm cỡ khác, được ENR công nhận và vinh danh trong số những Dự án Tốt nhất Toàn cầu năm 2021 đã minh chứng cho tính hiệu quả, an toàn, chất lượng vượt trội của Cảng Gemalink. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Gemalink tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ trong Giai đoạn 2 triển khai dự án, dự kiến sẵn sàng đưa vào khai thác từ năm 2023 đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của thị trường và đón bắt những vận hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do FTA cũng như dòng chảy hàng hóa từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
8. Khởi công xây dựng sân bay Long Thành dự kiến trở thành một trung tâm Logistics hàng không
Sân bay Long Thành với quy mô dự kiến giai đoạn I đạt 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sẽ trở thành một trung tâm logistics hàng không của quốc gia và khu vực.
Cùng với đó, hoạt động vận tải hàng không cũng tăng trưởng mạnh, mặc dù đến nay Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên hàng hóa và freighter.