Việt Nam rất coi trọng các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đồng thời đánh giá cao Hoa Kỳ không chỉ dựa trên số lượng dự án, mà chính sự hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã đóng góp rất quan trọng trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Tại diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam-Hoa Kỳ trong bối cảnh mới”, do VCCI phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào chiều 16/11, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) khẳng định, Việt Nam rất coi trọng các nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt là việc các nhà đầu tư luôn tôn trọng pháp luật Việt Nam và đóng góp quan trọng trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19. “Chúng tôi đánh giá cao Hoa Kỳ không chỉ dựa trên số lượng dự án, mà chính hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua đã đóng góp rất quan trọng trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI”.
Sự hợp tác với Mỹ cũng có tác động không nhỏ đến việc thúc đẩy các khoản đầu tư của các nước khác vào Việt Nam. Số lượng thống kê chưa thể hiện hết sự hợp tác giữa hai nước, vì có nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam qua nước thứ ba, do đó nếu thống kê đầy đủ, con số đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn rất nhiều.
Ông Vũ Văn Chung cũng cho rằng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước mở ra cơ hội nhiều hơn thách thức, vì nhiều lí do.
Thứ nhất, dù Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn về điều kiện và luật pháp chính sách rất cao, nhưng trong những năm qua, cùng với trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế, thì cơ chế chính sách của Việt Nam đều được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Theo thống kê, thời gian qua mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đều khẳng định, dịch chỉ là vấn đề trước mắt. Họ đánh giá cao môi trường đầu tư vào Việt Nam và khẳng định tiếp tục đầu tư trung hạn, dài hạn; cơ hội rất lớn, bởi thể chế, chính sách của Việt Nam hiện nay tương đồng, phù hợp các chuẩn mực quốc tế và được các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao.
Thứ hai, tiềm lực kinh tế của Việt Nam có sự phát triển mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng DN, đặc biệt khối DN tư nhân phát triển rất mạnh mẽ. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho việc kết nối hợp tác giữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các tập đoàn, DN lớn của Việt Nam trong thời gian tới.
Các chính sách thu hút đầu tư cũng đã có những thay đổi theo hướng phù hợp với các tiêu chí thúc đẩy đầu tư Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam đã có Nghị quyết về thu hút đầu tư đến năm 2030, trong đó, xác định rõ mục tiêu các định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với các tiêu chí cao hơn, sự thu hút đầu tư có chọn lọc với những ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam. Điều này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư cho các DN Mỹ vào Việt Nam.
Nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác, ông Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết, cuộc trao đổi nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho thấy, một trong những quan tâm chung của hai bên là làm sao để vừa phòng, chống đại dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, với việc coi nhau là các đối tác quan trọng, sẽ có khả năng xem xét thêm một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương nào đó giữa hai nước trên cơ sở hợp nhất những cái đã có và trên cơ sở những cam kết của Việt Nam. Mặc dù Mỹ chưa thể quay trở lại Hiệp định CPTPP, nhưng Chính phủ Mỹ đang có nhiều sáng kiến, như kinh tế thương mại tại khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu về năng lượng, hay về thương mại số, phát triển hạ tầng… Đây cũng là tiềm năng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Khuôn khổ rõ ràng, dễ tiếp cận, thu hút nhà đầu tư Mỹ nhiều hơn

Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, hai bên có nhiều việc cần phối hợp làm để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số. Bà Virginia đánh giá, Mỹ sở hữu những DN mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang dần có nhiều DN mạnh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bên cạnh phát triển dịch vụ số, hai nước cũng phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các DN lớn, các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số.

Đại diện Amcham cho rằng, việc xây dựng đường bay thẳng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ rất tốt cho hoạt động logistics để hướng tới mục tiêu phục hồi, tái lập chuỗi cung ứng.
Một trong những vấn đề DN Mỹ rất quan tâm là lĩnh vực năng lượng. “Chúng tôi đã tìm hiểu về quy hoạch điện 8, vấn đề điện khí ngoài khơi, hình thức năng lượng tái tạo… nếu có khuôn khổ quản lý, tạo lập, như hợp đồng mua bán điện rõ ràng, Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực toàn cầu mạnh mẽ. Các quỹ, các ngân hàng cùng vào với các dự án từ đó có thể đóng góp vào tương lai xanh của đất nước”, bà Foote chia sẻ.
Dưới góc độ DN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng Giám đốc Công ty T&M Forwarding phân tích: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quy định ngặt nghèo cả hàng không và vận tải biển trong vấn đề cấp phép cho các DN.
Thị trường này trong thời gian qua có không ít trở ngại, khó khăn trong vấn đề vận tải biển và đứt gãy chuỗi cung ứng đang cần được giải quyết. Ví dụ như vận chuyển biển từ Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 5-6 lần, tàu đến dỡ hàng phải đợi 1 tháng tới cảng, đợi 1-2 tuần mới có xe tải.
“Do đó, cơ hội vận chuyển bằng hàng không trở nên tăng mạnh. Đường bay trực tiếp sẽ mở ra cơ hội lớn cho logistics. Thực tế, cơ hội đầu tư hạ tầng rất nhiều và cần kinh nghiệm của DN Mỹ”, ông Đào Trọng Khoa cũng cho rằng, hợp tác logistics rất quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến năng lực của các DN, đào tạo về chuyển đổi số. Hợp tác giữa DN Mỹ-Việt trong logistics sẽ giúp DN Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực này.
Có cùng quan điểm, ông Trần Phương Lâm, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn N&G (N&G Group), Tổng Thư ký Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hiệp hội Hansiba) cho rằng, đây là thời điểm tốt để các DN Mỹ tận dụng cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi các DN Việt Nam đang phục hồi sản xuất, đặc biệt là xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất.
Đại diện Hansiba cho hay, hiện nay, các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực khi chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp để xây dựng chuỗi nhà xưởng phục vụ tái hoạt động sản xuất, để tái phục hồi hoạt động nhanh chóng. Đây cũng là cơ hội để DN Hoa Kỳ nghiên cứu việc tài trợ vốn, tiến tới việc hợp tác phát triển sản xuất, xây dựng các khu hạ tầng sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng cơ hội mới trong tương lai.
Theo dõi Pacific Logistics Group để biết thêm nhiều thông tin mới nhất!

02253273868
icons8-exercise-96 challenges-icon